Các yếu tố cần cân nhắc để đạt được trải nghiệm hình ảnh tốt nhất (Phần 2)

Admin: 23/08/2024

Sau khi tìm hiểu về yếu tố vị trí ghế ngồi ở phần 1 thì phần 2 của bài viết này, Lhasa sẽ giới thiệu chi tiết về yếu tố màn chiếu trong thiết kế phòng chiếu phim tại nhà. Ở bài viết này bạn sẽ hiểu được cách lựa chọn và bố trí màn chiếu sao cho tối ưu, giúp bạn có được trải nghiệm hình ảnh chân thực và sống động nhất, đưa không gian giải trí của bạn lên một tầm cao mới.

1. Xác định kiểu màn chiếu 

Màn chiếu, linh hồn của mỗi phòng chiếu phim, hiện nay được thiết kế đa dạng để phù hợp với nhiều không gian và nhu cầu khác nhau.

  • Màn chiếu cố định: Với thiết kế gắn trực tiếp lên tường, loại màn này mang đến vẻ đẹp sang trọng và sự ổn định tuyệt đối. Tuy nhiên, tính cố định cũng đồng nghĩa với việc bạn sẽ không thể di chuyển màn chiếu đến vị trí khác.

  • Màn chiếu motor cuộn: Tiết kiệm diện tích là ưu điểm nổi bật của loại màn này. Nhờ động cơ tích hợp, màn chiếu có thể cuốn lên hoặc xuống một cách dễ dàng, giúp bạn tận dụng tối đa không gian. Tuy nhiên, sự phụ thuộc vào nguồn điện và khả năng rung lắc khi hoạt động là những hạn chế cần lưu ý.

  • Màn chiếu motor từ dưới lên: Thiết kế gọn gàng, dễ di chuyển là điểm mạnh của loại màn này. Tuy nhiên, kích thước khung bị giới hạn và khả năng xuyên âm cũng khá hạn chế.

  • Màn chiếu motor giấu ẩn trần: Với thiết kế thông minh, màn chiếu được giấu hoàn toàn trên trần nhà, giúp không gian trở nên gọn gàng và hiện đại. Tuy nhiên, loại màn này cũng có những nhược điểm tương tự như màn chiếu motor cuộn.

Ngoài ra, một điểm chung của hầu hết các loại màn chiếu motor là khả năng xuyên âm khá hạn chế. Điều này có thể gây ảnh hưởng đến chất lượng âm thanh, đặc biệt là đối với những hệ thống âm thanh surround cao cấp. Để khắc phục hạn chế này, bạn có thể lựa chọn các loại màn chiếu chuyên dụng có khả năng xuyên âm hoặc kết hợp với các giải pháp âm thanh khác.

Với hơn 20 năm kinh nghiệm trong lĩnh vực nghe nhìn, với phòng chiếu phim gia đình, Lhasa luôn ưu tiên tư vấn khách hàng chọn kiểu màn cố định vì những lý do sau:

  • Màn cố định cho chất lượng hình ảnh tốt hơn vì bề mặt phẳng tuyệt đối.

  • Màn cuộn thường phải dùng vật liệu mềm, màn khó phẳng tuyệt đối, dễ bị nhăn và cong vênh ở 2 mép sau một thời gian sử dụng, và dễ bị rung lắc, phập phồng bởi gió nhẹ. Và rất ít có màn xuyên âm.

  • Khi đã xác định xây dựng một phòng chiếu phim gia đình riêng biệt, không nhất thiết phải cuối màn lên xuống sau mỗi lần xem.

2. Xác định tỉ lệ khung hình màn chiếu

Tỉ lệ khung hình không chỉ là một con số, mà còn là một yếu tố nghệ thuật ảnh hưởng trực tiếp đến cách kể chuyện và trải nghiệm người xem. Từ tỉ lệ 4:3 truyền thống, các nhà làm phim đã không ngừng thử nghiệm với các tỉ lệ khác nhau để tạo ra những hiệu ứng thị giác độc đáo, phù hợp với từng thể loại phim. Ví dụ tỷ lệ 21:9 dùng để nhận định dạng hình ảnh CinemaScope. Tuy nhiên, với sự phát triển của công nghệ, tỉ lệ 16:9 đã trở thành tiêu chuẩn phổ biến nhờ khả năng tương thích cao và tối ưu hóa trải nghiệm xem phim trên các thiết bị hiện đại.

 

Như đã đề cập, tỷ lệ 16:9 là tỷ lệ khung hình chuẩn nhất, và Lhasa khuyến khích bạn nên dùng loại màn này bởi các nội dung truyền hình cũng phần lớn được sản xuất theo tỷ lệ này. Tuy nhiên, hiện nay một số đời máy chiếu hiện đại cũng hỗ trợ trình nhiếu các tỷ lệ khung hình khác nhau. Vậy nên, bạn cũng sẽ có nhiều sự lựa chọn về tỷ lệ khung hình màn chiếu.

3. Xác định kích thước màn chiếu

Kích thước màn chiếu và vị trí ghế ngồi có mối liên hệ mật thiết, quyết định đến trải nghiệm xem phim. Khi vị trí ghế ngồi đã được cố định theo thiết kế nội thất, yếu tố quan trọng nhất cần xác định là góc nhìn, bởi nó sẽ quyết định trực tiếp đến chiều rộng của màn chiếu. Dựa trên góc nhìn đã được tính toán, ta có thể xác định chiều dài màn chiếu và từ đó suy ra kích thước tổng thể của màn.

Để có trải nghiệm tốt nhất, phương án sẽ được thực hiện theo cá nhân của bạn và gia đình mong muốn góc nhìn như thế nào. Trong trường hợp bạn khó đưa ra được phương án, Lhasa sẽ dựa vào các tiêu chuẩn ITU và THX để tính toán kích thước màn chiếu dựa trên khoảng cách ghế ngồi. Ví dụ, với màn hình 16:9, nếu chọn góc nhìn 30°, kích thước màn sẽ được tính theo công thức: Số Inch của màn = Khoảng cách ghế x 0.6149; nếu chọn góc nhìn 36°, công thức sẽ là: Số Inch của màn = Khoảng cách ghế x 0.746.

4. Xác định cao độ màn chiếu

Cao độ màn chiếu cân đối là một trong số yếu tố không thể thiếu, giúp cho người xem không cảm thấy mỏi cổ khi phải quá cúi, hay ngước đầu xem trong suốt bộ phim.

Đối với phòng phim nhiều hàng ghế:

Theo tiêu chuẩn CTA/CEDIA-CEB23-B, vị trí ghế ngồi trong phòng chiếu phim nên đảm bảo tầm nhìn của người xem không vượt quá 15° trên hoặc dưới so với trục vuông góc với tâm màn chiếu. Nói cách khác, khi bạn nhìn thẳng về phía trước, đường nhìn này chỉ nên lệch tối đa 15° so với đường thẳng từ mắt bạn đến tâm màn chiếu. 

Do đó, sau khi xác định kích thước màn chiếu và vị trí ghế ngồi chính, việc điều chỉnh cao độ màn chiếu sao cho các hàng ghế phụ cũng có góc nhìn trong phạm vi 15° sẽ giúp đảm bảo tầm nhìn thoải mái cho tất cả mọi người.

Đối với hàng ghế chính:

CEPro khuyến nghị rằng màn chiếu nên được đặt sao cho tầm mắt người ngồi chính nằm ở vị trí tương đương với ⅓ chiều cao của màn chiếu tính từ dưới lên. Theo nghiên cứu của họ, cách bố trí này giúp giảm thiểu chuyển động của mắt, đầu và cổ, đồng thời vẫn đảm bảo góc nhìn trong phạm vi an toàn dưới 15°, theo tiêu chuẩn CEDIA-CEB23-B. Vì vậy, cao độ lý tưởng cho màn chiếu là khoảng cách từ sàn đến 2/3 chiều cao của màn chiếu, sao cho phù hợp với tầm mắt của người ngồi chính, với chiều cao mắt trung bình khoảng 100 – 120 cm (42”- 48”).

Quan trọng nhất việc lựa chọn góc nhìn cho vị trí ngồi chính nên dựa trên sở thích của cá nhân gia đình sử dụng. Sau đó, các vị trí ghế ngồi khác cần được bố trí sao cho đảm bảo góc nhìn không vượt quá 15°, giúp mang lại trải nghiệm xem phim tối ưu.

5. Xác định màu sắc, nội thất phòng chiếu phim

Có bao giờ bạn tự hỏi tại sao khi bước vào các rạp chiếu phim, các rạp phim bị bao phủ bởi một màu đen nhám, nhìn khá thô và xù xì từ trần đến sàn. Phải chăng các rạp đang tiết kiệm ngân sách để đỡ tốn chi phí và có thể dễ dàng che các khuyết điểm của phòng?

Câu trả lời là “ Việc che đi khuyết điểm cũng là một ý đồ của các rạp. Tuy nhiên, mục đích chính của màu đen không độ bóngchính là để giảm sự phản xạ ánh sáng từ màn chiếu đến mắt người xem. Vì màu đen có độ hấp thụ ánh sáng cao.

Cụ thể, khi sơn màu quá sáng, khi xem phim, màn chiếu sẽ là vật tỏa sáng duy nhất trong phòng. Lúc này, các bề mặt lân cận gần màn chiếu sẽ không hấp thụ, mà phản xạ lại ánh sáng, gây ra hiện tượng cả một vùng trước mặt chúng ta trắng xóa và bị chóa, gây ảnh hưởng đến chất lượng xem phim. 

Theo Simple Home Theater, khi lựa chọn vật liệu cho phòng chiếu phim, nên ưu tiên các vật liệu có màu tối và độ bóng thấp. Màu sắc nên được lựa chọn dựa trên thang đo Light Reflectance Value (LRV) từ 0 – 100, trong đó 0 là màu đen tuyệt đối và 100 là trắng tuyệt đối. Các vật liệu có LRV từ 0-40 được coi là có độ phản xạ thấp, phù hợp cho môi trường phòng chiếu phim. Về độ bóng, nên chọn mức từ 1-10% (Flat – Eggshell) để đảm bảo rằng phòng chiếu phim không bị phản xạ quá nhiều ánh sáng, mang lại trải nghiệm xem phim tốt nhất.

6. Xác định cường độ sáng khi xem phim

Giống với các vật liệu phản xạ gây ra sự xao nhãng trong lúc xem phim. Việc kiểm soát ánh sáng, nhân tạo và tự nhiên trong phòng khi xem phim có thể khó để can thiệp, nhưng cũng là một việc không thể thiếu trong thiết kế phòng phim. Bạn có thể tham khảo một số khuyến nghị về chiếu sáng tại Home Theater như:

  • Không được để ánh sáng bên ngoài lọt vào phòng trong suốt thời gian đang xem. Nên duy trì ở mức 50 Lux, nguồn sáng duy nhất chỉ nên phát ra từ màn chiếu.

  • Các nguồn sáng trong phòng phim như đèn báo hiệu, đèn thông báo,.. không được chiếu trực tiếp vào màn hình và đảm bảo các đèn này không phản chiếu vào bề mặt tường, trần rồi đi lên màn hình.

  • Ánh sáng khi đi vào và đi ra phòng phim trong lúc xem phải dịu và dễ dàng được điều khiển từ chỗ ngồi xem.

  • Các đèn cảnh báo và đèn hướng dẫn phải đáp ứng yêu cầu theo quy định của pháp luật.

  • Cần có tối thiểu ba ngữ cảnh ánh sáng cơ bản trong phòng: Ra/ vào phòng, xem phim, chế độ nghỉ

Nếu có thể, Lhasa cũng khuyến nghị nên thiết lập một ngữ cảnh đèn thật sự đặc biệt cho các sự kiện tai nạn, thiên tai vào điều khiển ánh sáng. Vì khi người xem đang quá đắm chìm vào một bộ phim hoặc trò chơi, với âm thanh lớn từ phòng phim, người xem sẽ mất cảnh giác và không xác định rằng chuông báo khói, còi báo động lốc xoáy hoặc kính vỡ đang được reo. Và bối cảnh đặc biệt này sẽ nhắc nhở họ rằng đang có vấn đề đang xảy ra trong nhà hay khu vực sống của họ.

7. Xác định loại vải màn chiếu

Hiện nay có 3 loại vải màn chính khi nhắc đến chất liệu làm màn: đó là vải thường, vải xuyên âm và vải quang học. Lhasa sẽ không ưu tiên tư vấn khách hàng dùng vải thường vì nó thường chỉ nên được dùng cho màn trình chiếu và hội họp văn phòng. Về phòng phim, ta cần cân nhắc giữa màn xuyên âm và màn quang học.

Màn xuyên âm (AW/AT)

Đây là loại màn lý tưởng nhất mà chúng tôi hướng đến trong phòng phim. Màn xuyên âm, được làm từ mành PVC, sau đó được đục các lỗ nhỏ li ti trên màn, hoặc được đan từ vải chuyên dụng với các khoảng lỗ thưa để cho phép âm thanh đi qua. Màn được thiết kế để có thể lắp đặt các loa phía sau màn hình, giúp âm thanh truyền thẳng qua màn đến tai người nghe.

Màn quang học (ALR)

Đây là loại màn chỉ nên ưu tiên ở các khu vực có ánh sáng trên 201 Lux, thường là các không gian mở, không thật sự lý tưởng khi đặt trong phòng phim. Màn quang học được chế tạo phức tạp từ các vật liệu Composite quang điện, giúp lọc ánh sáng xung quanh và chỉ phản xạ ánh sáng từ máy chiếu. Cấu trúc màn quang học được thiết kế làm 2 dạng: Màn chiếu xa (Long-Throw) và siêu gần (Ultra Short Throw).

Tại sao phòng chiếu phim tại gia nên chọn màn xuyên âm ?

Nếu xét duy nhất về phương diện ảnh hưởng bởi độ sáng phòng, chắc chắn màn xuyên âm sẽ luôn là mang cho mình một điểm trừ so với màn quang học. Tuy nhiên, nếu chấp nhận phương án kiểm soát ánh sáng ở mức tối khi xem phim, Lhasa khuyến nghị bạn nên dùng phương án chọn màn xuyên âm bởi các yếu tố:

Tạo yếu tố thẩm mỹ cho căn phòng:

Với màn xuyên âm, tất cả các loa được giấu sau màn chiếu. Lúc này, khu vực “phía trước” nhìn sẽ gọn gàng và thẩm mỹ hơn. Để phân tích rõ ràng hơn ở điểm này, chúng ta cần đưa vào thêm yếu tố âm thanh để so sánh. Một dàn âm thanh cơ bản cho phòng phim sẽ là 3.1, với 3 loa chính (Left, Right, Center) phía trước và 1 loa Subwoofer tạo âm trầm. Nếu sử dụng màn không xuyên âm, chúng ta sẽ sẽ phải đặt các loa đó ngay dưới đất hoặc xung quanh màn chiếu trên tường.

Cho phép lắp được màn to hơn:

Khi dùng màn không xuyên âm, chúng ta sẽ phải chừa không gian 2 bên tường và ở dưới để lắp đặt các loa này. Cũng vì thế mà kích thước màn đôi khi phải bị giới hạn. Tuy nhiên, khi dùng màn xuyên âm, ta có thể tận dụng cả khoảng không này và dùng màn rộng hơn, cho trải nghiệm tốt hơn.

Âm thanh cân bằng với tai người nghe:

Khi dùng màn không xuyên âm, đối với loa Center, chúng ta buộc phải đặt loa này ở dưới màn chiếu. Điều này dẫn đến việc, âm thanh của cả 3 loa chính sẽ không cân bằng và tạo hiệu ứng không ấn tượng. Bằng việc dùng màn xuyên âm, 3 loa LCR của chúng ta sẽ được thẳng hàng và cho ra âm thanh đồng bô.̣

Màn được nằm thấp hơn:

Như đã đề cập ở phần B4, tâm màn chiếu nên đặt trong khoảng 15 độ so với góc nhìn mắt. Việc lắp loa Center ở dưới màn quang học, buộc màn phải đẩy lên cao và ảnh hưởng ít nhiều đến góc nhìn của mắt khì trải nghiệm hình ảnh

Với tác động của ánh sáng:

Thậm chí, với màn quang học, đôi khi không hẳn hoàn toàn có thể kiểm soát ánh sáng. Trong một vài trường hợp nếu ánh sáng chiếu theo hướng song song với máy chiếu, thẳng vào màn. Màn sẽ không tách ánh sáng này ra được và phản xạ lại vào mắt chúng ta như màn thường. Vậy nên, cả yếu tố về ánh sáng này và các yếu tố trên, chúng tôi đề xuất nên dùng màn xuyên âm là phù hợp.(còn tiếp)