Các yếu tố cần cân nhắc để đạt được trải nghiệm hình ảnh tốt nhất (Phần 3)

Admin: 23/08/2024

Ở phần 2 của bài viết này, Lhasa sẽ tập trung vào yếu tố màn chiếu trong thiết kế phòng chiếu phim tại gia chuyên nghiệp, giúp đảm bảo trải nghiệm hình ảnh tốt nhất. Phần này sẽ cung cấp những thông tin quan trọng về cách chọn và bố trí màn chiếu sao cho phù hợp với nhu cầu và không gian của bạn. Tiếp theo, phần 3 sẽ chuyển sang việc lựa chọn máy chiếu phù hợp cho phòng chiếu phim, bao gồm những yếu tố cần cân nhắc để có được chất lượng hình ảnh và hiệu suất tối ưu.

1.Xác định tỷ lệ khung hình

Khi chọn máy chiếu, tỷ lệ khung hình là yếu tố đầu tiên cần xem xét. Đảm bảo rằng hình ảnh từ máy chiếu phù hợp với tỷ lệ khung hình của màn chiếu là điều quan trọng trước khi đánh giá chất lượng hình ảnh.

Nhiều máy chiếu hiện đại cho phép điều chỉnh tỷ lệ khung hình. Một số máy cao cấp có thể phóng to hình ảnh thủ công hoặc thay đổi ống kính để phù hợp với các tỷ lệ như 21:9. Các dòng máy khác, như của Barco Residential, tự động nhận và điều chỉnh tỷ lệ khung hình từ nguồn phát, trong khi các máy của Sim2 và Sony yêu cầu điều chỉnh thủ công và lưu các thiết lập vào preset. Lhasa khuyên bạn nên chọn máy chiếu theo tỷ lệ khung hình của màn chiếu. Hoặc những máy chiếu có khả năng thay đổi định dạng hình ảnh để có được trải nghiệm hình ảnh tốt nhất. 

2. Xác định độ sáng máy chiếu

Đây là yếu tố tiếp theo cần được cân nhắc, khi độ sáng của máy chiếu quyết định đến chất lượng của hình ảnh. Nếu máy chiếu không có độ sáng phù hợp với không gian, ánh sáng từ môi trường sẽ tác động đến độ sáng của hình ảnh trên màn, khiến cho hình ảnh bị “cháy sáng”, giảm độ sắc nét và màu sắc.  

Độ sáng máy chiếu thấp gây hiện tượng“mờ” màu hình ảnh Độ sáng máy chiếu được xác định bằng đơn vị Lumens. Tuy nhiên, khi chọn mua máy chiếu, chúng ta sẽ gặp các đơn vị Lumens khác nhau như  ANSI Lumens, LED Lumens, và Light Source Lumens. Để chọn máy chiếu phù hợp, người dùng cần hiểu rõ sự khác biệt giữa các loại Lumens này và lựa chọn máy chiếu từ các thương hiệu uy tín để đảm bảo chất lượng. 

Trong thiết lập phòng chiếu phim tại gia, độ sáng hình ảnh phù hợp nằm trong khoảng 16-26 ft-L, theo khuyến nghị của Hiệp hội Kỹ sư Điện ảnh và Truyền hình (SMPTE). Sử dụng công thức tính độ sáng máy chiếu dựa trên diện tích màn chiếu và độ gain của màn để đảm bảo máy chiếu đáp ứng được yêu cầu về trải nghiệm hình ảnh tốt nhất. Ví dụ, với phòng chiếu phim  gia đình có màn chiếu 150" và độ gain 0.8, máy chiếu cần có độ sáng 1.336 ANSI Lumens để đạt chuẩn.

3. Xác định Công nghệ hình ảnh

Công nghệ hình ảnh mang vai trò quan trọng, không thua kém các yếu tố khác, trong việc xử lý chất lượng hình ảnh. Đó là yếu tố chính quyết định độ phân giải, độ sắc nét, và màu sắc của hình ảnh chúng ta xem. Hiện nay, có 3 công nghệ chính được sử dụng rộng rãi trong các sản phẩm máy chiếu. Đó là LCD, DLP và LCOS.

  • LCD (Liquid Crystal Display): Sử dụng màn hình tinh thể lỏng để tạo hình ảnh. Ưu điểm của công nghệ này là chi phí thấp, hình ảnh sáng, màu sắc phong phú. Tuy nhiên, nó có nhược điểm là hiệu ứng "caro" và độ tương phản thấp.

  • DLP (Digital Light Processing): Dựa trên chip DMD với hàng triệu vi gương, tạo hình ảnh bằng cách phản chiếu ánh sáng. DLP cho độ tương phản cao và ít phải bảo trì, nhưng có thể xuất hiện hiện tượng "cầu vồng" và độ bão hòa màu thấp.

  • LCoS (Liquid Crystal on Silicon): Kết hợp giữa LCD và DLP, tạo ra hình ảnh mịn màng và rực rỡ mà không có hiệu ứng cầu vồng. Tuy nhiên, chi phí cao và độ tương phản thấp.

 

Với các máy chiếu cao cấp như Barco Residential và Sony mà Lhasa thường tư vấn khách hàng ưu tiên sử dụng thì bạn không thể chọn được công nghệ hình ảnh nào khác ngoài DLP và LCoS. Vì các công nghệ này đã được cấu hình sẵn trong các sản phẩm này. 

 

Ngoài ra, tuy vai trò của công nghê hình ảnḥ rất quan trọng, nhưng hiện nay các dòng máy cao cấp cũng đã được thiết kế để tối ưu hoác các nhược điểm của các dòng máy. Vì vậy, việc chúng ta nên làm là tập trung nhiều hơn vào các yếu tố khác để chọn lựa môt máy chiếu phù hợp.

4. Xác định độ tương phản

Nói đến đây chắc hẳn chúng ta cũng hình dung ra độ tương phản là gì. Độ tương phản là sự khác biệt về độ sáng giữa màu trắng sáng nhất và màu đen tối nhất trên màn hình. Ví dụ, độ tương phản 10.000:1 có nghĩa là màu trắng sáng hơn màu đen 10.000 lần.

Nói về độ tương phản thì chúng được chia làm hai loại độ tương phản:

  1. Độ tương phản tĩnh (native/static contrast): Tỷ lệ giữa điểm sáng nhất và tối nhất tại một thời điểm trên màn hình. Được đo bằng chỉ số ANSI CR, độ tương phản tĩnh phản ánh chính xác chất lượng hình ảnh khi xem phim.

  2. Độ tương phản động (dynamic contrast): Được đo bằng cách so sánh điểm sáng nhất và tối nhất màn hình ở hai thời điểm khác nhau. Chỉ số này thường cao nhưng không phản ánh chính xác độ tương phản thực tế khi xem phim.

Với hơn 20 năm kinh nghiệm trong lĩnh vực, Lhasa ưu tiên tư vấn khách hàng lựa chọn máy chiếu từ các nhà sản xuất uy tín với độ tương phản ANSI cao, khoảng 450:1 là đủ cho phòng chiếu phim gia đình tiêu chuẩn. Các máy chiếu của Sony, ví dụ, có thể tạo ra độ tương phản vô cực (∞:1) bằng cách tắt hoàn toàn ánh sáng khi nhận tín hiệu hình ảnh màu đen, giúp tái tạo màu đen chân thật nhất.

5. Xác định độ phân giải

Độ phân giải là khái niệm quen thuộc mà chúng ta thường gặp khi nói về hình ảnh. Nhưng chính xác độ phân giải là gì? 

Độ phân giải liên quan trực tiếp đến "pixel" hay "điểm ảnh". Pixel là đơn vị nhỏ nhất cấu thành hình ảnh, mỗi pixel có thể được hiểu là một ô vuông siêu nhỏ hiển thị một màu sắc nhất định. Sự tập hợp của hàng triệu pixel tạo nên một hình ảnh hoàn chỉnh. Khi hình ảnh được tạo ra từ nhiều pixel, nó sẽ trở nên chi tiết và sắc nét hơn. Số lượng pixel trong một hình ảnh chính là độ phân giải của nó. 

Các độ phân giải phổ biến hiện nay bao gồm 360, 480, 720, 1080, 4K, và 8K. Những con số này đại diện cho số lượng pixel theo chiều dọc của hình ảnh. Ví dụ, độ phân giải 720 có tổng số pixel là 1280 x 720 = 921.600 pixel. Độ phân giải 4K có tổng số pixel là 3840 x 2160 = 8.294.400 pixel, tuy nhiên, cũng có một số độ phân giải 4K đạt tới 4096 x 2160 = 8.847.360 pixel. Để có chất lượng hình ảnh tốt nhất, nên chọn máy chiếu hỗ trợ độ phân giải cao nhất, hiện tại là 4K.

Ngoài những con số trên, các độ phân giải còn được gọi với các tên khác như SD, HD, Full HD, và UHD:

  • SD (Standard Definition): Độ phân giải 360 (720 x 360) và 480 (960 x 480)

  • HD (High Definition): Độ phân giải 720 (1280 x 720)

  • Full HD (Full High Definition): Độ phân giải 1080 (1920 x 1080)

  • UHD (Ultra High Definition): Độ phân giải 4K (3840 x 2160) và 8K (7680 x 4320)

6. Xác định gam màu sắc

Màu sắc là yếu tố quan trọng cần xem xét khi chọn máy chiếu, và gam màu là khía cạnh chính để đánh giá khả năng tái tạo màu sắc của thiết bị. Vậy gam màu là gì, và đâu là gam màu phù hợp nhất?

Gam màu mô tả dải màu mà máy chiếu có thể tái tạo. Một trong những phương pháp phổ biến để biểu diễn gam màu là sử dụng một hình tam giác trong biểu đồ không gian màu, với mỗi đỉnh của tam giác đại diện cho màu đỏ, lục, và lam tinh khiết nhất mà thiết bị có thể tái tạo. Máy chiếu có gam màu rộng hơn sẽ tái tạo được nhiều màu hơn trong quang phổ khả kiến.

Có ba gam màu tiêu chuẩn được sử dụng phổ biến trong các máy chiếu là REC.709, DCI-P3, và REC.2020. Trong đó, REC.709 có gam màu nhỏ nhất, còn REC.2020 (hay BT.2020) có gam màu rộng nhất. Máy chiếu với gam màu rộng hơn sẽ tái tạo màu sắc phong phú và sống động hơn.

Mặc dù REC.2020 được coi là chuẩn gam màu mà ngành công nghiệp điện ảnh đang hướng tới, nhưng công nghệ hiện tại vẫn chưa thể tái tạo đầy đủ phổ màu sắc của chuẩn này. Thay vào đó, DCI-P3 đang là chuẩn màu sắc được sử dụng rộng rãi trong các rạp chiếu phim và phòng chiếu phim gia đình. Tuy nhiên, đối với các nhà sản xuất máy chiếu thông thường, REC.709 vẫn là giải pháp lý tưởng nhất vì nó có thể tái tạo màu sắc chân thực.

Chúng tôi đề xuất nên chọn máy chiếu có gam màu rộng nhất có thể. Các sản phẩm của Barco Residential và Sony hiện đang sử dụng gam màu DCI-P3 như là gam màu chủ đạo, đây là một trong những gam màu rộng và chất lượng nhất hiện nay.

7. Xác định loại nguồn sáng

Xác định loại nguồn sáng trong máy chiếu là một yếu tố quan trọng không thể bỏ qua quyết định độ sáng và tuổi thọ của máy. Hiện có ba loại nguồn sáng chính: bóng đèn, LED, và Laser.

  1. Bóng đèn: Là nguồn sáng truyền thống, với hai loại phổ biến là đèn thủy ngân và đèn cao áp UHP. Ưu điểm của bóng đèn là chi phí thấp và độ sáng cao, từ 1.000 đến 43.000 lumens. Tuy nhiên, nhược điểm bao gồm tỏa nhiệt lớn, tuổi thọ ngắn (2.000–6.000 giờ), và độ sáng giảm dần theo thời gian. Máy chiếu dùng bóng đèn phù hợp cho những môi trường cần độ sáng cao như phòng học, phòng họp.

  2. LED: Đèn LED, đặc biệt là LED RGB, tiết kiệm năng lượng, có tuổi thọ cao (20.000–30.000 giờ), tỏa nhiệt ít và khởi động nhanh. Tuy nhiên, độ sáng của LED thường thấp (100–3.500 lumens), dẫn đến sai lệch màu sắc. Máy chiếu LED thích hợp cho không gian tối như phòng phim, phòng họp.

  3. Laser: Nguồn sáng Laser có bốn loại chính: Laser, Laser Phosphor, Hybrid Laser, và RGB Laser. Ưu điểm của Laser là độ sáng cao (trên 5.000 lumens) và tuổi thọ dài (20.000–30.000 giờ). Nhược điểm là chi phí cao và có thể gây hại cho mắt nếu tiếp xúc trực tiếp. Máy chiếu Laser phù hợp cho phòng phim gia đình hoặc trình chiếu ngoài trời.

Tóm lại, từng công nghệ ánh sáng nêu trên có ưu nhược điểm riêng và  tùy trường hợp chúng ta có thể đưa ra những lựa chọn saoc cho phù hợp. Nếu cần độ sáng cao nhưng dùng trong thời gian ngắn, ta nên dùng bóng đèn. Nếu cần độ chính xác màu cao và xem trong không gian tối, ta nên chọn LED. Còn lại, nếu muốn trình chiếu tại khu vực có ánh sáng mạnh, ta nên dùng Laser.

8. Xác định khoảng cách đến màn

Vậy là chúng ta đã đi qua hết tất cả các phần liên quan đến cấu hình nội vi máy chiếu. Tiếp theo, chúng ta sẽ đi đến phần lắp đặt liên quan đến ngoại vi máy chiếu. Khoảng cách từ màn đến máy là yếu tố tiếp theo cần xem xét.

Để xác định khoảng cách lý tưởng, bạn có thể tra cứu thông số kỹ thuật của máy chiếu, nơi thường ghi rõ khoảng cách phù hợp. Đây là cách đơn giản và hiệu quả nhất.

Ngoài ra, bạn cũng có thể tính toán khoảng cách dựa trên tỷ lệ phóng (Throw ratio) của máy chiếu. Dưới đây là một số bảng thông số khoảng cách từ màn đến máy chiếu của các mẫu máy chiếu phổ biến hiện nay như LG HU915QE và Sony VPL-XW70, giúp bạn dễ dàng lựa chọn khoảng cách phù hợp cho không gian của mình.